Bạn có phải là người dễ rơi vào trạng thái tiêu cực? Một biến cố không hay xảy đến ( có ai đó thân tình nhắn nhủ: việc này có gì đâu mà phải buồn, vui lên, tao trải qua rồi tao biết mà) dù hiểu lời nói của đối phương đưa ra có ý tốt, nhưng thật tâm bạn vẫn không thể xua tan cảm giác nặng nề. Nỗi buồn càng chồng chất thêm, khi nhìn ra xung quanh ai ai cũng mang dáng vẻ thật hoàn hảo, vui tươi và tràn đầy năng lượng, như thể chẳng có điều gì ảnh hưởng tới họ. Bạn chán nản, đôi khi căm ghét bản thân.

Nếu được hỏi, mình có phải là người hay cảm thấy tiêu cực không? Câu trả lời là có. Đặc biệt là trong khoảng thời gian gần đây, khi đối diện với nhiều khó khăn trong công việc. Mình có nhiều lo lắng, suy nghĩ bi quan. Liệu có sợ khi thấy bản thân rơi vào tình trạng như vậy. Chắc chắn là có.

Tại sao chúng ta lại sợ khi bản thân có cảm xúc tiêu cực

Về mặt bản năng, con người luôn khao khát được chấp nhận và yêu thương bởi người khác. Đó là một trong nguồn lực lớn mạnh thúc đẩy mỗi người trong chúng ta hướng về những giá trị tốt đẹp.

Nhưng nếu cái áp lực phải trở nên hoàn thiện quá lớn (luôn phải tích cực, vui vẻ, tốt đẹp hơn) điều đó vô tình đã khiến chúng ta ngầm dán nhãn việc có những cảm xúc tiêu cực là xấu, thừa nhận bản thân cảm thấy đau khổ, nặng nễ sẽ khiến ta bị coi là một kẻ thất bại và không xứng đáng được yêu thương. Vậy nên khi đứng trước cảm xúc tiêu cực, con người thường có khuynh hướng sợ hãi, chống trả hoặc chối bỏ.

Có nhất thiết phải luôn cảm thấy tích cực

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của suy nghĩ tích cực. Góc nhìn lạc quan tựa như ngọn hải đăng giúp bạn hướng về những điều tốt đẹp và có được trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc sống. Nhưng chắc chắn không nhất thiết phải cảm thấy tích cực mọi lúc mọi nơi, nếu bạn không thực sự cảm nhận như thế.

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Là con người chúng ta trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như vui, buồn, hạnh phúc, tức giận, đau khổ, chán nản, tổn thương, tuyệt vọng.. với cường độ và sự cảm nhận có thể giống hoặc hoàn toàn khác nhau. Việc ép buộc, gắng gượng quá sức, bất kể là việc gì, thường không mang lại kết quả tốt đẹp. Đặc biệt là trong chuyện cảm xúc.

Cảm thấy tiêu cực, liệu có phải là xấu?

Câu trả lời là không. Bản thân cảm xúc, trải nghiệm tiêu cực không hề xấu. Chúng chỉ xấu khi ta gán ghép cho nó ý nghĩa rằng: “cảm xúc ấy không được phép có mặt ở đây.” “cảm thấy tiêu cực là một điều tồi tệ”. Hoặc khi ta đồng nhất trạng thái nặng nề với đặc điểm tích cách, bản sắc của chính ta. Như khi tức giận, ta dễ dàng gắn cho bản thân là một kẻ xấu tính, thích nổi quạu. Khi bản thân có xu hướng dễ bị tổn thương trước lời nói mỉa mai cả ai đó. Ta tự gắn mắc cho mình là kẻ yếu kém, không thể chế ngự cảm xúc.

Chính vì gắn mác, nhãn dán, dễ dàng đồng hóa với trạng thái cảm xúc nặng nề đang có mặt mà ta liên tục gây ra đau khổ cho bản thân. Và nếu chưa có sự am hiểu những vấn đề liên quan về cảm xúc, sẽ rất dễ đưa ra những kết luận mang nhiều định kiến cá nhân, dẫn đến có góc nhìn lệch lạc. Và đó cũng chính là một trong số nhiều nguyên nhân khiến cho căn bệnh tâm lý có vùng đất phát triển lớn mạnh.

4 sự thật về cảm xúc bạn cần biết ( liên quan đến cảm xúc tiêu cực)

 1. Những cảm xúc bị đè nén không mất đi. Nó sẽ ở lại, có lúc trở nên vô cùng dữ dội, khiến ta làm ra nhiều chuyện khác thường. Nhà phân tâm học Sigmund Freud từng nói: “ Những cảm xúc bị đè nén không bao giờ chết. Chứng chỉ bị chôn sống và sẽ trở lại với hình thù xấu xí nhất”.

Bạn vốn được coi là một người hiền lành, giỏi nhẫn nhịn, không hay đưa ra nhiều ý kiến. Chính vì vậy có những người dùng có hội đó để “bắt nạt” bạn. Họ tùy tiện bất cứ điều gì muốn nói, dùng lời nói có tính sát thường cao, đôi khi đối xử với bạn rất bất công. Bạn cảm thấy tức giận, muốn lên tiếng nhưng vì bạn luôn có thói quen chịu đựng hoặc mặc định bản thân là một người giỏi nhẫn nhịn, nên bạn không phản kháng. Cho đến một ngày khi chạm đến một giới hạn đỉnh điểm, “giàn néo đứt dây”. Cơn bùng nổ bùng phát giống như quả bom nổ chậm. Hậu quả là rất nhiều lời lẽ, cử xử không hay đã diễn ra.

2. Cảm xúc tồn tại dưới dạng năng lượng, có chu kỳ, sẽ đến và đi. Đó là lý do không một ai có thể cảm thấy vui, buồn, tức giận, tổn thương mãi mãi.  Câu nói “ thời gian sẽ chữa lành tất cả” mang ý nghĩa như vậy. Qua thời gian không phải chuyện buồn đã biến mất, chỉ là mức độ của vấn đề được giảm xuống, những trải nghiệm mới đến mang theo cảm xúc mới giúp bạn khuây khỏa và đổi thay. Không có cảm xúc nào giữ nguyên, tất cả đều biến đổi, dù chúng có lớn đến đâu.

3. Cảm xúc cũng tạo ra những cái bẫy. Đặc biệt là khi ta quá đắm chìm vào trong dòng cảm xúc hỗn độn, đồng hóa mình với những trạng thái ấy. Hãy nhớ rằng đôi khi ta tìm cách thoát ra hướng sự chú ý của mình vào những hoạt động lành mạnh khác để vượt qua những cái bẫy của thói quen cảm nhận.

4. Cảm xúc không nên bị phán xét là xấu hay tốt. Tất cả chúng ta ở đây để  trải nghiệm cuộc sống, dòng sự kiện, tất cả cung bậc cảm xúc mà không nên đồng hóa, dãn nhãn với bất kỳ trạng thái cảm xúc nào. Cảm xúc là tự nhiên, đều tồn tại với một lý do nào đó.

Cảm thấy tiêu cực không phải một điều xấu. Nhưng chắc chắn rằng bạn không nên đắm chìm quá lâu. Bởi hệ lụy của chúng thực sự rất nguy hiểm, sẽ để lại nhiều hệ lụy không tốt về sau.

Giải pháp vượt qua những cảm xúc tiêu cực

Tìm giải pháp chuyển hóa cảm xúc tiêu cực

  • Tập đối diện và gọi tên cảm xúc đang có mặt. Khi một cảm xúc khó khăn nào đó xuất hiện, bạn nhận diện chúng: ” À, đó là sự tức giận” , “đó là lo lắng” , “đó là sợ hãi” , “đó là suy nghĩ bi quan”…Gọi tên nhưng không bỏ thêm thái độ phán xét, chèn ép, đồng hóa bản thân với dòng cảm xúc đang có. Và hãy tự nhủ bạn sẽ chấp nhận mọi điều đang diễn ra, chỉ cần như thế thôi.
  • Sau khi giữ tâm thế hòa nhã với cảm xúc đang có, bạn hãy tìm cách giải phóng, để chúng ra đi.
  1. Hãy khóc: Dù bạn là con gái hay con trai khi gặp điều muộn phiền, uất ức nếu muốn khóc hãy cứ khóc nhé. Đừng sợ bị chê cười hay phán xét. Việc khóc sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ lòng hơn.
  2. Chọn viết: Hãy viết ra tất cả cảm xúc tiêu cực đang có dù đó cảm xúc tức giận, tổn thương, mẳng mỏ, chửi rửa. Đây là cách bạn thả trôi những muộn phiền, có thể chân thật nói ra cảm xúc chính mình mà không sợ phán xét hãy giễu cợt bởi bất cứ ai.

     ” Tôi có thể thoát khỏi mọi thứ khi viết: nỗi muộn phiền biến mất và lòng dũng cảm tái sinh” – Anne Frank. 

  3. Đến nơi nào đó hét lên thật to. Tiếng hét sẽ giúp bạn xả hết những cảm xúc chất chứa trong lòng. Phương pháp này sẽ hơi khó thực hiện nếu như bạn sống nơi đông đúc . Nhưng nếu bạn tìm thấy một nơi nào đó, hãy chọn cách này nhé, chúng là cách giải tỏa cực kì hữu hiệu.
  4. Bạn cũng có thể một bờ hồ, dòng sông hay biển gần nơi bạn sống. Ném thật mạnh những viên đá xuống dưới. Đây là cách giải tỏa cảm xúc của riêng mình. Mỗi lần cảm thấy buồn và chán nản mình hay chạy xe đến một cái hồ gần nơi ở, nhặt những viên đá nhỏ, dùng hết sức ném thật mạnh xuống hồ. Khi ném xong mình cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều. Bạn thử xem sao nhé.
  5. Trong trường hợp bạn cần được một ai đó lắng nghe hãy cố gắng tìm đến những người bạn cảm thấy tin tưởng và chia sẻ với họ nhé ( và quan trọng họ thực sự muốn lắng nghe bạn)
  6. Nếu sự tiêu cực như một cơ chế bị kích hoạt liên tục, bạn có thể chọn đi bộ, tập yoga, đọc sách, xem phim..  bất cứ hoạt động nào ( hoạt động lành mạnh thì tốt hơn cả)  khiến não bộ của bạn không còn tập trung vấn đề tiêu cực nữa. Dành khoảng 30 phút hoặc một tiếng. Bạn sẽ thấy những vấn đề tiêu cực khi nãy dường như được vơi đi hoặc biến mất. Đó cách chúng ta sẽ không bị lạc vào cái bẫy của cảm xúc.  

Lời kết:

Hãy luôn nhớ rằng: Việc cảm thấy tiêu cực là một điều hoàn toàn bình thường. Chúng là một phần không thể tách rời khỏi quá trình sống và lớn lên. Vậy nên đừng sợ hãi, đừng tự trách móc bản thân khi bạn trót rơi vào những trạng thái không lành mạnh. Hãy bao dung hơn với chính mình và cho phép mọi thứ diễn ra đúng bản chất của nó. Tin rằng bạn cũng giống như bầu trời ngoài kia. Sau những cơn bão tố, sự trong xanh sẽ dần quay trở lại. Bạn sẽ ổn thôi ngay cả khi bạn chẳng mấy lạc quan.

Đừng ghét bản thân khi cảm thấy tiêu cực nha, đúng hơn là hãy chọn sự bao dung yêu thương đối với tất cả cảm xúc đang có. Bởi mọi thứ tồn tại đều có lý lẽ riêng của nó. Hãy trưởng thành, sống hạnh phúc bằng việc chọn cách mở khóa khó khăn bên trong bạn nhé!

Nguồn tài liệu thảm khảo:

Sách: Ngừng lệ thuộc – Melondy Beattie

Bài viết : Suy nghĩ tích cực không phải lúc nào cũng tốt

Về tác giả

tieuhy

Mình là Mai Anh – người viết câu chuyện của trái tim

Mình vẫn luôn mong, có một góc nhỏ riêng tư, nơi mình có thể ghi lại, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, câu chuyện vụn vặt trên hành trình tìm kiếm, chọn sống thật với bản thân.

Bên ngoài đời sống, mình là một người không hoàn hảo, nhiều vụng về. Có lẽ câu chữ giống mình, đang tập lớn lên giữa dòng đời rộng lớn.

Nên mình thầm mong, nếu có một nhân duyên đưa bạn đến đây, nếu bạn có thể tìm điều gì đó hữu ích cho hạnh phúc, con đường, cuộc sống, hành trình riêng bạn.

Khi câu chữ của mình có thể làm được điều đó, dù chỉ một chút. Mình đã thực sự hạnh phúc. Cám ơn vì bạn vì đã ở đây, chia sẻ hành trình cùng mình.

Có thể bạn sẽ thích...
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x