Healing may not be so much about getting better, as about letting go of everything that isn’t you – all of the expectations, all of the beliefs – and becoming who you are.” 

– Rachel Naomi Remen –

(đChữa lành có thể không liên quan nhiều đến việc trở nên tốt hơn, mà bằng việc buông bỏ mọi thứ không phải bạn – tất cả kỳ vọng, tất cả niềm tin và trở thành con người của bạn.)

Nguồn ảnh: Pinterest

Những ngày gần đây, mình tập tha thứ cho những lỗi lầm, nghĩ suy non nớt và cả dại khờ mình luôn muốn giấu đi.

Sau gần hai năm đủ dũng cảm để nhìn nhận thật sâu nỗi đau bên trong. Từng bước tập tháo gỡ, hàn gắn niềm tin trong quá khứ và học cách chăm sóc bản thân. Hiện tại mình đang tiếp tục đi trên hành trình tự chữa lành, từng bước xây dựng bản thân trở thành phiên bản lành mạnh hơn về mặt đời sống tinh thần.

Tại sao cần phải chữa lành? 

Bên trong mỗi chúng ta tồn tại một đứa trẻ ít nhiều tổn thương. Khi còn bé, khi chưa có đủ vốn kiến thức, kinh nghiệm sống vững vàng, đứa trẻ thường có xu hướng lệ thuộc, sẽ đón nhận tất cả niềm tin từ môi trường, mọi người xung quanh gán ghép. Tâm thức đứa trẻ như cái máy ra- đa thu thập tất cả nguồn thông tin và tập hợp chúng thành dữ kiện và bắt đầu hình thành niềm tin, định nghĩa về bản thân. Có thể là chúng xinh, xấu, giỏi giang, yếu kém, lười biếng, chăm chỉ, tốt hay xấu tính như thế nào. Phần lớn những những lời nhận xét có hơi hướng tiêu cực, tổn thương thường khắc sâu hơn trong lòng mỗi đứa trẻ. 

Đứa trẻ ấy cũng có thể là nạn nhân bạo hành gia đình, cha mẹ ly hôn, một tuổi thơ không ấm êm, từng phải chịu nhiều tổn thương mặt thể chất và tinh thần, hoặc không thể đón nhận tình yêu thương và sự cộng nhận mà nó luôn khao khát và mong muốn có được.

Theo thời gian chúng ta sẽ lớn lên, nhưng em bé tổn thương vẫn còn đó, theo chúng ta đến khi trưởng thành thậm chí cả khi già đi. Không ngừng tạo ra lập trình về nỗi sợ, sự tự ti, ám ảnh về giá trị bản thân, luôn cảm thấy mình không có đủ, không được yêu thương, sợ hãi trong việc ai đó bỏ rơi  hay luôn so sánh với người khác, cô đơn vì cảm thấy không được ai thấu hiểu và lắng nghe, bức xúc, nặng nề vì những vấn đề riêng tư. Luôn cảm thấy không an toàn về cá nhân, cuộc sống và mối quan hệ xung quanh.

Nguồn ảnh: Pinterest

Chữa lành là gì?

Theo quan điểm của riêng mình, chữa lành chính là con đường quay vào bên trong, gặp lại đứa trẻ bên trong, hàn gắn và tập tháo gỡ những niềm tin lệch lạc từng có trong quá khứ và hiện tại. Kết nối với phần thiêng liêng, sâu sắc hơn bên trong.

Chữa lành cũng được coi như việc ta đi tìm gốc rễ, những vấn đề cốt yếu dẫn đến sự thiếu lành mạnh trong mối quan hệ với bản thân và với những người xung quanh. Trong quyển “Tìm bình yên trong gia đình” thiền sư Thích Nhất Hạnh có chia sẻ: “Khi nhìn sâu vào những khổ đau và hạnh phúc của mình, mình sẽ thấy được nguyên nhân và gốc rễ sâu xa của nó. Khi thấy được nguyên nhân và gốc rễ rồi, mình sẽ làm mới trở lại để nuôi lấy hạnh phúc của mình”.

Chữa lành có ý nghĩa giản đơn như thế. Tìm ra gốc rễ của tổn thương, hòa giải với nỗi đau và bắt đầu xây dựng, nuôi dưỡng hạnh phúc mới.

Những ai cần bước vào hành trình chữa lành

Có thể là bạn, là mình, là tất cả chúng ta, những người ít nhiều có mang trong mình dáng dấp đứa trẻ bị tổn thương. Trong hiện tại đứa trẻ ấy có xu hướng thức dậy, ẩn hiện nhiều hơn trong nỗi sợ, trong cách cư xử, làm giảm sự tự tin, giá trị, hạnh phúc của chúng ta.

Trong cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ tiến sĩ Đặng Hoàng Giang có viết: “ Như những đường ray chạy khỏi ga tàu, chúng ( những trải nghiệm tổn thương) đẩy người ta vào những khuôn mẫu suy nghĩ hành xử mà họ không dễ dàng thoát ra. Họ đã được “ lập trình” bởi những mô hình nội tại, để có nguy cơ lặp lại những mối quan hệ cũng độc hại như những quan hệ mà họ có người chăm sóc khi còn nhỏ.

Tác giả cũng chia sẻ thêm: “ Theo John Bowlby, cha đẻ của lý thuyết gắn kết đã nhận ra từ thấp kỷ 1970, dù không dễ dàng, những mẫu hình gắn kết kia có thể thay đổi để trở thành vững vàng. Đường ray tàu có thể dần chuyển hướng qua các bộ phận bẻ ghi. Dù không đập bỏ hoàn toàn, phần mềm có thể được cập nhập.

Nghĩa là không phải cố gắng làm cho vết thương năm nào “ lành lặn” hay nguyên vẹn trở lại, mà thực chất chữa lành sẽ là tiến trình chúng ta điều chỉnh lại những niềm tin lập trình đã ăn sâu bám rễ. Bắt đầu hình thành, thay thế bằng những niềm tin đúng đắn, khách quan và có ích cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại.

Làm thế nào để chữa lành

Có rất nhiều kiến thức, phương thức khác nhau, sẽ hỗ trợ bạn trên hành trình chữa lành vết thương có thể kể đến như viết nhật ký, viết thư, tự trò chuyện với bản thân, các hình thức trị liệu riêng như vẽ tranh, thêu thùa, trị liệu cùng chuyên gia (có lẽ mình sẽ viết chia tiết hơn về mỗi hình thức ở những bài nhau) …chúng quy lại vẫn là dành thời gian để tìm hiểu suy nghĩ lập trình và nguồn gốc của những nỗi khổ niềm đau bên trong. Từ đó học cách buông bỏ, tiếp tục kết nối với bản thân bằng tình yêu thương vô điều kiện. 

Nguồn ảnh: Pinterest

Những điều bạn sẽ trải qua khi đi trên hành trình chữa lành:

  • Cảm giác bối rối, chán nản vì không thể tìm thấy hay kết nối với đứa trẻ bên trong. Có lẽ đây sẽ phản ứng thông thường mỗi người khi bắt đầu hành trình chữa lành. Vì đã rời xa với bản thân một thời gian quá dài, vậy nên bạn sẽ phải mất khá khá thời gian, sự nỗ lực để tìm thấy đứa trẻ bên trong của mình.
  • Vòng luẩn quẩn của những mô thức cũ, cảm xúc tiêu cực độc hại sẽ có xu hướng lặp lại: Cố gắng làm hài lòng người khác, ngụm lặn trong cảm giác tự ti, chán nản u sầu, khó để thiết lập ranh giới cá nhân lành mạnh.
  • Cảm thấy khó khăn trong việc tha thứ cho bản thân, thường xuyên cảm thấy tội lỗi. Rất khó để đặt ưu tiên nhu cầu của bản thân lên trên nhu cầu người khác.
  • Có rất nhiều bài học cần phải học đi học lại, có tình huống xảy ra liên tục khi chúng ta học được bài học cần thiết.
  • Cần nhiều can đảm để thừa nhận cần được giúp đỡ.
  • Bài học về sự chấp nhận là bài học lớn nhất trên hành trình kết nối với bản thân.
  • Không có con đường thẳng tắp cho việc chữa lành, đây là con đường vòng, ngoằn nghèo, vòng vèo cần nhiều sự kiên nhẫn và tình yêu thương.
  •  Chữa lành không phải là chuyện nhất thời, đây là hành trình cả đời.

Một chút về câu chuyện chữa lành của mình

Một cách thường xuyên mình luôn cảm thấy nhiều bối rối trên con đường học cách kết nối lại và chăm sóc đứa trẻ bên trong. Cũng như bao người, mình có những lập trình tổn thương. Lập trình ấy tự động tự động đáng kinh ngạc, không ít lần khiến mình có những hành xử làm không đúng đắn với bản thân và những người thương yêu.

Hai năm trước mình không hiểu được tại sao có quãng thời gian khi rơi vào khủng hoảng nghỉ việc đó cũng là thời điểm có nhiều nỗi đau từ trong quá khứ trồi lên một cách đồng loạt. Cụ thể là những niềm tin, những suy nghĩ luôn nói rằng mình không đủ ra sao, lười biếng, vô dụng không giá trị nhiều như thế nào. Cả căn bệnh trầm cảm tác oai tác quái bên trong thời điểm ấy. Mình đã viết trong bài Thành thật thừa nhận tôi bị ốm tinh thần.

Đến bây giờ mới hiểu, chúng thực chất là tập hợp nỗi đau niềm tin đến từ quá khứ, trong nhiều kí ức tuổi thơ không êm đẹp. Mình từng vô tư nghĩ rằng khi lớn lên hẳn là những nỗi đau ấy sẽ theo dòng thời gian để trôi đi và biến mất. Nhưng không phải, nỗi đau vẫn luôn ở đó, chưa bao giờ mất đi. Có thể nó chỉ đang chờ, chờ mình nhận ra, chờ mình thấu hiểu và quay về yêu thương nó một lần nữa.

Hiện tại phải mất thời gian rất lâu để thương lượng và chấp nhận rằng bản thân không có lỗi khi liên tục trải qua cuộc khủng hoảng đau đớn ở bên trong. Bản thân không có lỗi khi tiếp nhận những chuyện không hạnh phúc của quá khứ. Bản thân không có lỗi khi trở nên nhạy cảm hơn vấn đề xung quanh.

Mỗi ngày chăm chỉ hơn trong việc giúp đỡ chính mình thoát ra khỏi lập trình một tâm trí co cụm, nhiều tự ti, dằn vặt, học cách sống lành mạnh, ý thức hơn về việc chăm sóc đời sống tinh thần.

Vậy nên nếu bạn cũng đang bước đi trên hành trình tự chữa lành, mình muốn được cổ vũ cho bạn. Mong rằng bạn có thể tiếp tục nỗ lực, cố gắng, chiến đấu vì bản thân dù gặp nhiều khó khăn. Một ngày nào đó khi ngoảnh mặt nhìn lại, có thể bạn sẽ nhận ra tất cả công sức, sự nỗ lực được đền đáp xứng đáng, nỗi đau được hóa giải, đứa trẻ trong ta được chữa lành, bình an.

Chúng ta có thể viết lên câu chuyện mới, làm chủ chính mình, hòa hợp với mối quan hệ xung quanh. Sống một cuộc đời vững vàng và hạnh phúc. Nhất định như thế.

“ Chữa lành là cách sẽ giúp mỗi người được sống hạnh phúc bình yên với bản thân và tạo dựng những mối quan hệ lành mạnh và ý nghĩa.”

Chúng mình cùng nhau bước đi nhé!

Về tác giả

tieuhy

Mình là Mai Anh – người viết câu chuyện của trái tim

Mình vẫn luôn mong, có một góc nhỏ riêng tư, nơi mình có thể ghi lại, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, câu chuyện vụn vặt trên hành trình tìm kiếm, chọn sống thật với bản thân.

Bên ngoài đời sống, mình là một người không hoàn hảo, nhiều vụng về. Có lẽ câu chữ giống mình, đang tập lớn lên giữa dòng đời rộng lớn.

Nên mình thầm mong, nếu có một nhân duyên đưa bạn đến đây, nếu bạn có thể tìm điều gì đó hữu ích cho hạnh phúc, con đường, cuộc sống, hành trình riêng bạn.

Khi câu chữ của mình có thể làm được điều đó, dù chỉ một chút. Mình đã thực sự hạnh phúc. Cám ơn vì bạn vì đã ở đây, chia sẻ hành trình cùng mình.

Có thể bạn sẽ thích...
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x