Gần đây, mình nhận ra rằng đầu óc của mình rất thích kể câu chuyện về nỗi sợ.

Cụ thể là, mỗi lần mình định viết điều gì đó, có một tiếng nói thì thầm trong đầu, rằng mình viết dở ra sao, mình là ai mà lại tự tin chia sẻ kiến thức với người khác. Đầu óc vẽ ra viễn cảnh mình có thể bị tấn công như thế nào, nếu đưa ra một suy nghĩ quan điểm không được phần đông mọi người đón nhận. Đôi khi đầu óc còn lên tiếng, dừng lại đi, mình sẽ không viết hay hay tiến bộ lên đâu.

Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, giọng nói trong đầu liên tục thì thào về nhiều nỗi sợ khác nhau. Nó kể cho mình nghe câu chuyện về sự thất bại, khó khăn, hiểm nguy khi mình chọn làm những việc bản thân chưa từng làm, hoặc đang làm mà chưa thấy được kết quả.

Trong đầu mình vẫn luôn có nhiều hơn một nỗi sợ.

Nỗi sợ dưới góc nhìn tâm lý học

Theo tâm lý học, nỗi sợ chính là cơ chế bảo vệ con người khỏi mối đe dọa hiểm nguy.

Nhà tâm lý học lâm sàng Zachary Sikora, PsyD của Northwestern Medicine cho biết: “Sợ hãi là phản ứng sinh tồn của chúng ta.” 

“Một mức độ sợ hãi nhất định là tốt cho bạn vì nó cho phép chúng ta sống sót. Nó hỗ trợ việc đưa ra quyết định và giúp chúng ta tránh khỏi những tổn hại không đáng có” Theo Tiến sĩ Barry.

Những nỗi sợ cũng có thể trở thành dạng ám ảnh về lo âu. Việc thường xuyên lo lắng sẽ giữ ta trong vùng an toàn, quen thuộc vốn có. Mà cuộc sống của chúng ta, hầu hết những điều thú vị lại thường nằm bên ngoài vùng ranh giới an toàn.

Vùng an toàn có thể là chiếc giường thoải mái nhất trong cuộc đời, nơi những giấc mơ trở nên sống động trong tâm trí bạn nhưng không bao giờ trở thành hiện thực bởi vì bạn không bao giờ thức dậy khỏi giường để biến nó thành hiện thực.”

Oscar Bimpong

Có một thí nghiệm thế này:

“Để hiểu mức độ mọi người khái quát hóa nỗi sợ hãi trong phản ứng có điều kiện hoặc không điều kiện. Lissek – một nhà tâm lý cùng cộng sự của ông đã phát triển một trò chơi trên máy tính. Trong đó, người chơi điều khiển một người nông dân phải đi từ nhà kho đến cánh đồng của trang trại để thu hoạch thành công càng nhiều vụ mùa càng tốt.

Đối với mỗi vụ thu hoạch, người chơi chọn giữa hai con đường. Một là tuyến đường dài, giúp di chuyển chậm và an toàn đến cánh đồng, nhưng quãng thời gian di chuyển vừa đủ cho một đàn chim hoang dã ăn ngấu nghiến mùa màng trước khi người nông dân đến. Con đường còn lại là con đường ngắn, đảm bảo người nông dân sẽ đuổi được những con chim ra đồng, nhưng có khả năng khiến người chơi bị điện giật nhẹ.

Tất nhiên, mong muốn giành chiến thắng trong trò chơi của người chơi xung đột với mong muốn tránh bị điện giật. 

Kết quả đưa ra trong nghiên cứu của Lissek , những người chơi nhìn thấy biểu tượng “an toàn” sẽ sẵn sàng đi theo con đường ngắn. Khi thấy biểu tượng báo hiệu “dấu hiệu nguy hiểm” cảnh báo bị điện giật, họ có xu hướng lo lắng và thích nghi với hoàn cảnh bằng cách đi đường dài. Mặc dù biết rằng sẽ không có cú sốc nào xảy ra, nhưng một số người chơi có nhiều khả năng cho rằng điều này là nguy hiểm và họ vẫn chọn con đường dài, dẫu biết có nguy cơ mất mùa. 

Sau thí nghiệm này, Lissek đưa ra kết luận: “Trọng tâm của chứng rối loạn lo âu là sự đánh giá quá cao về mối đe dọa. Vì có những mối lo lắng nhất định  mà những người mắc chứng rối loạn lo âu có xu hướng dự đoán mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa cao hơn bình thường.”

Đúng là việc lo lắng quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến phần lớn những quyết định, hành động, lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống.

Suy nghĩ của mình về nỗi sợ

Gần ba năm qua, có những khoảng thời gian bản thân mình sống trong cảm giác lo lắng và sợ hãi. Đó là lúc mình chọn rời chỗ làm cũ, bắt đầu theo đuổi lối sống và công việc tự do.

Khó khăn, thách thức là điều không tránh khỏi khi bước vào con đường mới. Nhưng nhìn lại, mình nhận ra có những nỗi sợ khủng khiếp trong đầu thường suy diễn đã không xảy ra ở thực tế. Bạn mình hay đùa là, sau bao chuyện xảy ra, tụi mình đứa nào đứa nấy vẫn sống đấy nhăn răng đó thôi. Ừ, đúng thiệt ha.

Về việc viết, mặc dù chưa thể nói trước điều gì ở tương lai, nhưng hiện tại câu chữ mình may mắn cũng nhận được ít nhiều sự ủng hộ của mọi người xung quanh. Có một người bạn trên mạng xã hội, bạn nhắn cho mình, những điều mình viết phần nào đã giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ chia sẻ của bạn, mình nhận ra câu chữ mình không tệ đến thế, câu chữ mình vẫn có thể có ích cho một ai đó bên ngoài kia.

Mình của hiện tại, vẫn còn nhiều nỗi sợ lắm. Nỗi sợ thì muôn hình vạn trạng mà bạn nhỉ? Nhưng so với lúc trước, mình đã bớt sợ hơn đôi chút. Lý do là vì mình nhận ra: “Nỗi sợ không bao giờ biến mất khỏi cuộc sống.

Bạn và mình, mỗi người chắc hẳn đều có những nỗi sợ vô hình ở nhiều khía cạnh khác nhau. Có thể hiện tại nỗi sợ liên tục kể cho ta nghe về viễn cảnh kinh khủng và nguy hiểm nếu ta muốn rời khỏi chốn quen thuộc không còn khiến ta thoải mái, hạnh phúc. 

Nhưng dẫu nỗi sợ nói bao điều, chúng có vẻ đáng sợ đến đâu, tất cả đều không quan trọng, quan trọng là cách chúng ta chọn phản ứng với nỗi sợ. Điều đó sẽ quyết định sự phát triển cuộc sống của mỗi người trong hiện tại và tương lai sau này.

Khi hiểu được nỗi sợ chỉ là một cơ chế phòng vệ để giữ cho con người cảm thấy an toàn theo những cách cũ và quen thuộc.

Nên sợ hãi không hẳn là một điều xấu, bản thân nỗi sợ cũng có thể giúp ta chuẩn bị tốt hơn và cho phép ta có sự chọn lọc kỹ càng, phù hợp hơn trong từng lĩnh vực đời sống. 

Nhưng đừng để chúng trở thành rào cản ngăn khiến bạn và mình không đến được với trải nghiệm mới mẻ và thú vị.

Hiểu về cơ chế nỗi sợ, nhận diện, chấp nhận và gọi tên, là bước quan trọng đầu tiên. 

Ví dụ mỗi khi viết mình thường có nỗi sợ: “Sợ mình không viết hay, sợ người khác sẽ phán xét câu chữ của mình. Sợ việc bày tỏ quan điểm, suy nghĩ thật sẽ bị coi là một người xấu.”

Viết ra nỗi sợ là một cách giúp mình nhận diện nỗi sợ đang có mặt.

Bước tiếp theo là cần cản đảm, quyết tâm vượt qua nỗi sợ. Mình nhận ra cách duy nhất chiến thắng nỗi sợ là đi xuyên qua nó.

Dẫu có nỗi sợ bị phán xét, nhưng mình vẫn đi tìm một chủ đề và viết, viết xong sẽ chỉnh sửa rồi đăng bài lên đây. Mình tự nhủ: Nếu mình viết không hay thật, vậy thì mình sẽ trở thành độc giả cho chính mình. Vì vẫn đang đi trên con đường luyện tập, nên không nên tự tạo nhiều áp lực cho bản thân đâu, Mai Anh nhớ nhen.”

Không phải lúc nào mình có nhiều dũng khí như vậy. Nhưng hiện tại, mỗi ngày mình muốn học được cách suy nghĩ và hành động để vượt qua nỗi sợ đang có bên trong bản thân.

Một câu nói mình thích liên quan chủ đề về nỗi sợ, gửi tặng bạn:

Mong tất cả chúng ta đều sẽ trở thành một người dũng cảm, quyết tâm vượt qua nỗi sợ. Chọn sống và làm những điều khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Có như vậy, hành trình bước về phía cuộc sống mới trở nên phong phú, nhiều màu sắc bạn ha, bạn có nghĩ giống mình không? 

Sẽ tuyệt biết mấy nếu có thể biết thêm về quan điểm của bạn ở chủ đề này. Mình mong ngày nào đó mình và bạn có thể chia sẻ với nhau thật nhiều thứ trong cuộc sống.

Cám ơn bạn vì đã ở đây lắng nghe và chia sẻ cùng mình.

Chúc bạn ngày mới an lành

Thương mến,

Mai Anh

Thí nghiệm bạn có thể đọc tại đây: Psychology of Fear: How Anxiety Turns the Everyday into a Threat

Về tác giả

tieuhy

Mình là Mai Anh – người viết câu chuyện của trái tim

Mình vẫn luôn mong, có một góc nhỏ riêng tư, nơi mình có thể ghi lại, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, câu chuyện vụn vặt trên hành trình tìm kiếm, chọn sống thật với bản thân.

Bên ngoài đời sống, mình là một người không hoàn hảo, nhiều vụng về. Có lẽ câu chữ giống mình, đang tập lớn lên giữa dòng đời rộng lớn.

Nên mình thầm mong, nếu có một nhân duyên đưa bạn đến đây, nếu bạn có thể tìm điều gì đó hữu ích cho hạnh phúc, con đường, cuộc sống, hành trình riêng bạn.

Khi câu chữ của mình có thể làm được điều đó, dù chỉ một chút. Mình đã thực sự hạnh phúc. Cám ơn vì bạn vì đã ở đây, chia sẻ hành trình cùng mình.

Có thể bạn sẽ thích...
Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Ngô Bảo
Ngô Bảo
6 tháng trước

Bài viết hay nè.Cám ơn bạn

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x