Khi phải đối diện với sự chỉ trích, nói xấu và sự phán xét từ những người xung quanh phản ứng đầu tiên của bạn là thế nào?

Bạn có trải qua cảm giác bồn chồn, lo lắng, khó chịu, thấy tổn thương và tức giận.

Mùa hè hai năm trước, mẹ từng nói mình là “người quá lạnh lùng” khi mình không đáp ứng việc cháu gái 3 tuổi lăn ra sàn nhà, gào khóc thật to đòi chơi điện thoại suốt mấy tiếng đồng hồ.

Mình từng bị sếp cũ nói là “người qua cầu rút ván” khi quyết định xin nghỉ việc.

Mình từng bị một người chị quản lý trong căn hộ cho thuê nói là “người hai mặt” khi cố gắng nói lên ý kiến của bản thân.

Phản ứng đầu tiên của mình khi nhận lời chỉ trích ấy là bất ngờ, không nói thành lời. Sau đó, cảm thấy khó chịu, tức giận và tổn thương.

Ngày trước, mình thường có xu hướng tự nhãn dán bản thân bằng lời nhận định của người khác, nhất là những khoảnh khắc rơi vào trạng thái tiêu cực, những lời nói ấy, bằng cách nào đó quay trở lại, ám ảnh mình.

Nguồn ảnh: Unplash

Mãi đến sau nay, khi bước trên hành trình chữa lành cho bản thân, dành nhiều thời gian suy ngẫm sự kiện đã qua

Mình tự hỏi, mình có “lạnh lùng” như lời của mẹ. Trong vai trò một người làm giáo dục, mình thấy việc bố mẹ luôn luôn đáp ứng khi cháu yêu cầu, đòi hỏi (dù là đòi hỏi vô lý) đã tạo nên thói quen và tính cách không tốt cho cháu gái mình, bây giờ muốn bất kỳ điều gì, nếu không được cháu đều lăn ra gào khóc, ăn vạ. Mình cũng gặp nhiều trường hợp trong công việc dạy học, nhiều bé vốn quen với việc được đáp ứng khi con đòi hỏi cho nên khi không có thứ con muốn, ngay lập tức lăn ra khóc, giày giũa, nghiêm trọng hơn có bé còn đánh bố mẹ, hoặc tự đau bản thân để có được điều con muốn. Cho nên, mình cảm thấy hành động khi đó của mình không phải là sự lạnh lùng, mà đang làm điều đúng đắn.

Chuyện xin nghỉ việc ở chỗ làm cũ, xét về mặt nguyên tắc mình đã xin nghỉ đúng theo bản hợp đồng là thông báo trước 30 ngày, thậm chí mình đã báo sớm hơn trước vài tháng, và lúc đó khi Sếp có nhờ mình ở lại hỗ trợ thêm vì trung tâm đang thiếu nhân sự, mình đã đồng ý. Lý do xin nghỉ bao gồm cả lý do cá nhân và cả những thứ liên quan quyền lợi và nghĩa vụ không được giải quyết ổn thỏa. Nhưng dù thế nào mình vẫn cảm thấy câu nói: “qua cầu rút ván” có phần nặng nề. Vì câu nói đó, mình đã buồn và hoài nghi giá trị bản thân suốt một khoảng thời gian.

Hay người chị quản lý ở căn nhà mình thuê, chuyện là mình và bạn ở cùng phòng có phản ảnh đôi chút tình hình của phòng, hồi đó mình ở phòng theo dạng kí túc xá, gần chỗ làm để thuận tiện cho việc đi lại. Phòng mình 8 người, hầu như mọi người đều đã đi làm, có một hai bạn sinh viên. Nhưng mọi người ở hơi bừa bộn và không sạch sẽ, mỗi lần đi làm về dường như không thể bước vào nhà tắm vì toàn quần áo, đồ đạc tùm lum, và không ai chịu dọn dẹp vệ sinh.

Sau nghe tụi mình chia sẻ thì anh chủ nhà và chị quản lý có thống nhất sẽ đưa ra quy định để phòng được gọn gàng và sạch sẽ hơn. Ngay tối hôm đó chị xuống phòng mình nói về quy định, nhưng đề xuất của chị lại là bây giờ không được để bất cứ đồ gì trong nhà tắm dù là bàn chải đánh răng, hay bất cứ món đồ nào cả, nhà tắm ở đó khá rộng, rồi cả cây quần áo treo đồ cũng không được dùng nữa, phải cất hết đi, mọi người tự để đồ vào vali hoặc một cái tủ nhỏ có sẵn kia, có thêm nhiều yêu cầu khắt khe khác.

Bạn thử hình dung, phòng 8 người, đều là con gái, đồ đạc ai cũng nhiều, mỗi người chỉ có một chiếc giường và một không gian chung vừa đủ, nếu đặt ra quy định như vậy, liệu có thuận tiện cho sinh hoạt của mọi người?

Những thành viên khác trong phòng đều im lặng không ai dám lên tiếng, người bạn giường dưới nhìn mình ánh mắt cầu cứu, nên mình đã lên tiếng và nói : “Chị ơi em thấy như vậy không hợp lý lắm, em đồng ý việc phân chia dọn dẹp vệ sinh phòng, tuy nhiên em nghĩ mình vẫn nghĩ là tụi em có thể để món đồ cần thiết trong nhà tắm, mỗi người có khay riêng và cả xào đồ thì mình có xếp vào góc tường vì chỗ kia còn trống và không ai dùng, nên nhờ chị xem lại giúp em.”

Chị im lặng không nói gì. Một người bạn ở cùng phòng với chị có nói lại với mình, chị ấy lên phòng và hét lên với bạn rằng: “Bạn em là con bé hai mặt”. (Bạn em ở đây là mình)

Phản ứng của mình khi nghe bạn kể lại, là sốc. Thực sự sốc, bởi sáng ngày mai khi gặp mình ở bếp nấu ăn, chị vẫn cười nói, còn hỏi mình rất nhiều về chuyên ngành học, công việc đang làm, cuốn sách mình đọc, như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Sau đó, mỗi lần gặp chị, chị hỏi điều gì mình cố gắng trả lời lịch sự, nhưng không muốn nói nhiều, vì với chị bây giờ mình thấy hơi dè chừng.

Kèm theo chút khó hiểu, nếu là mình, nếu không thích ai đó, chắc chắn mình không thể nói cười như vậy.

Sau này mình chuyển chỗ ở khác, nghe nói chị cũng chuyển đi vì không thích nghi được với phòng.

Bây giờ, câu nói ngày nào của mẹ, của sếp cũ, chị quản lý với mình cũng chỉ như gió thoảng qua, không còn đủ sức nặng khiến mình phải buồn rầu hay muộn phiền, nhưng những sự kiện đó đã giúp mình có thêm bài học.

Những điều mình học được về sự chỉ trích

  • Lời nhận định của người khác không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác về con người, giá trị, tính cách của mình (bạn), nó đơn thuần là sự phản chiếu quan điểm, tiêu chuẩn của họ về sự kiện đang trải qua, theo góc nhìn, lăng kính của cá nhân họ. Vậy nên khi đối diện với phán xét, nhận định tiêu cực, đừng vội đồng hóa bản thân với nhận định ấy. Mình( bạn) hãy tập chậm lại, lùi lại một bước, hít thở sâu, quan sát phản ứng cơ thể, cho bản thân thời gian để bình tĩnh suy ngẫm,về câu nói, sự kiện đã xảy ra, hãy tự hỏi:  Điều gì dẫn đến kết luận người đó? Đánh giá của bản thân về hành động đó ra sao, quan điểm cá nhân mình( bạn) về sự kiện đó như thế nào?
  • Những lời nhận định, chỉ trích đến người thân, những người có vị trí quan trọng lại đôi khi lại có tính gây ra sát thương cao hơn những người khác, cho dù câu nói xuất phát từ hoàn cảnh nào, dù họ không cố ý. Nên điều mình học được, càng với người thân, hay người có vị trí quan trọng đưa ra lời phê bình và nhận định, ta lại càng phải xem xét bối cảnh, lý giải ý nghĩa chỉ trích hướng về ta. Không phải để ghét bỏ, giận hờn hay không yêu quý họ nữa, mà để bảo vệ bản thân trước tổn thương không nên có.

  • Ai cũng có khả năng trở thành nạn nhân của sự phán xét ở một thời điểm, một khoảnh khắc trong cuộc đời.

Mình có theo dõi blog một chị, trong một bài viết chị chia sẻ cảm nhận những bài học chị có được sau khi đọc một cuốn sách. Với cá nhân mình, đó là những thông tin hữu ích. Nhưng bên dưới lại có bình luận những điều chị viết là chiêu trò quảng cáo để bán sách.

Dĩ nhiên là người đọc, mọi người có quyền được bày tỏ quan điểm cá nhân, nhưng nếu không thích những điều mà ai đó chia sẻ, chúng ta có thể bỏ qua được mà. Như vậy cả hai đều có được sự thoải mái.

Mình ngưỡng mộ cách chị phản hồi, bày tỏ quan điểm rõ ràng

Một người chị khác từng chia sẻ với mình: “Khi trở thành người viết, em cần chuẩn bị cho mình một tâm thế, có một lúc đó nào đó, em sẽ bị chỉ trích, phán xét, bất kể em không làm gì sai. Nhưng cũng sẽ người sẽ cảm ơn và chia sẻ những điều ý nghĩa với em.”

Nếu có thể cho em lời khuyên thì chị sẽ nói: “Hãy viết vì chính em, bày tỏ quan điểm, con người, giá trị của em một cách trung thực, thẳng thắn và hãy viết vì những người cần câu chữ của em, chỉ cần như vậy, còn những người muốn chỉ trích, hãy kệ họ.”

Để vượt qua sự chỉ trích phán xét, mỗi chúng ta có thể chọn cho mình tâm thế giống một người viết.

Ta hiểu rằng, sẽ có người yêu mến vì con người, giá trị, suy nghĩ, tính cách của chính ta. Nhưng có người không thích, ghét bỏ, nói xấu, thậm chí là phán xét cực đoan.

Con người không ai hoàn hảo, mình không hoàn hảo, bạn không hoàn hảo, người thương yêu của chúng ta không hoàn hảo, cả những người phán xét chúng ta, họ không hoàn hảo.

Không ai có thể có được tất cả tình cảm yêu mến của mọi người, cũng như không ai có thể làm hài lòng tất cả.

Vậy nên, học cách chấp nhận sự không hoàn hảo nơi chính mình và người khác, đón nhận góp ý với mục đích phát triển bản thân là một điều cần thiết, đồng thời tập loại bỏ lời chỉ trích tiêu cực không tốt cho sức khỏe tinh thần. Điều này thực sự quan trọng.

Hiện tại, nếu bạn đã đang đối mặt nhiều lời nhận xét, chỉ trích đến từ những người xung quanh. Bạn có thể áp dụng cách giống mình, là trước bất kỳ lời nhận định hãy tự hỏi bản thân: “Sự chỉ trích mang tính xây dựng, có giúp bạn tốt lên không? Động cơ, bối cảnh khiến người ta đưa ra lời chỉ trích ấy là gì? Nhận định của bạn về hành động, lời nói đó ra sao?”

Nếu bạn thấy nhận định của họ đúng, bạn hãy lắng nghe, thay đổi. Còn nếu câu trả lời là không, hãy bỏ qua, chọn quên đi.

Cuộc sống quá ngắn để sống vì những điều ác ý mang tính hủy hoại. Hãy dành thời gian cho những điều bổ ích khác như học tập, làm việc, vui chơi, thư giãn ở bên cạnh người chúng ta yêu thương, có thêm những kỉ niệm đẹp.

Mong bạn luôn vững vàng trước mọi lời chỉ trích, khen chê của cuộc đời.

Về tác giả

tieuhy

Mình là Mai Anh – người viết câu chuyện của trái tim

Mình vẫn luôn mong, có một góc nhỏ riêng tư, nơi mình có thể ghi lại, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, câu chuyện vụn vặt trên hành trình tìm kiếm, chọn sống thật với bản thân.

Bên ngoài đời sống, mình là một người không hoàn hảo, nhiều vụng về. Có lẽ câu chữ giống mình, đang tập lớn lên giữa dòng đời rộng lớn.

Nên mình thầm mong, nếu có một nhân duyên đưa bạn đến đây, nếu bạn có thể tìm điều gì đó hữu ích cho hạnh phúc, con đường, cuộc sống, hành trình riêng bạn.

Khi câu chữ của mình có thể làm được điều đó, dù chỉ một chút. Mình đã thực sự hạnh phúc. Cám ơn vì bạn vì đã ở đây, chia sẻ hành trình cùng mình.

Có thể bạn sẽ thích...
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x